Trong bài viết trước với tiêu đề “Thượng Hải – Điểm Đến Hấp Dẫn Tại Trung Quốc,” Taditours đã mang đến cho bạn cái nhìn sâu sắc về những điểm đến và ẩm thực độc đáo của thành phố nhộn nhịp này. Giờ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đểm đến Tây Hồ (Hàng Châu) trong tour du lịch 5 ngày 4 đêm tại Trung Quốc.
Tây Hồ, với vẻ đẹp thiên nhiên thanh bình và di sản văn hóa phong phú, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng để bạn khám phá trong chuyến đi sắp tới. Trong hành trình này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh quan nổi tiếng như cầu Đoạn Kiều, Trường Kiều, Tây Lãnh Kiều và ngắm nhìn các di tích lịch sử ẩn mình cạnh không gian tĩnh lặng của hồ. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương, từ các món hải sản tươi ngon đến các món truyền thống đặc sắc, mang đến trải nghiệm ẩm thực không thể quên.
Cùng Taditours, bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, thư giãn bên hồ Tây và khám phá vẻ đẹp cổ điển của Hàng Châu. Đừng bỏ lỡ cơ hội này để thêm một chương mới vào danh sách những chuyến du lịch đáng nhớ của bạn.
Hàng Châu – Khám Phá Vẻ Đẹp Thơ Mộng và Ẩm Thực Độc Đáo
Hàng Châu là một trong những thành phố đẹp nhất Trung Quốc và được mệnh danh là thiên đường hạ giới. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là điểm đến lý tưởng để thưởng thức ẩm thực và văn hóa trà truyền thống. Hãy cùng khám phá những điểm đến đặc sắc tại Hàng Châu.
Tây Hồ – Vẻ Đẹp Thơ Mộng và Huyền Ảo
Tây Hồ được cho là sự hóa thân của Tây Thi, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa thời Trung Quốc cổ đại. Kể từ thời cổ đại, Tây Hồ đã gắn liền với nhiều nhà thơ lãng mạn, nhà triết học thâm thúy, các vị anh hùng dân tộc. Năm 2011, nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hồ có diện tích rộng lớn và được bao quanh bởi các ngọn núi, đền chùa… Đến đây, bạn không thể bỏ qua trải nghiệm ngồi thuyền du ngoạn ngắm nhìn cảnh vật hữu tình và đắm mình vào không khí thanh bình.
Những cây cầu nổi tiếng tại Tây Hồ
Cùng với nhiều cảnh đẹp, Tây Hồ còn ghi dấu với những câu chuyện tình của nhiều đôi trai tài gái sắc lưu truyền từ xưa đến nay. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của mỗi cây cầu ở Tây Hồ nhé!
Đoạn Kiều (cầu Đoạn)
Cầu Đoạn là một trong 10 cảnh đẹp của Tây Hồ và là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm cảnh Tây Hồ. Vì thế, cầu luôn thu hút đông đảo du khách tham quan mỗi ngày. Vào mùa đông, khi những bông tuyết trên mặt cầu bắt đầu tan chảy dưới ánh mặt trời thì dưới gầm cầu tuyết trắng vẫn còn phủ chặt. Người ta gọi cảnh đẹp đó là: “Tuyết tàn cầu Đoạn”.
Cầu Đoạn – Tây Hồ (theo tiếng Hán chữ “đoạn” ở đây có nghĩa là đứt, gãy; đoạn trong từ đoạn trường) vốn có tên là cầu Bảo Hựu, lại có tên khác là cầu Đoàn Gia (gia đình đoàn tụ) hay cầu Đoản (cầu ngắn). Cây cầu này gắn với một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc là “Truyện Bạch Xà” mà tại Việt Nam chúng ta quen gọi là “Thanh Xà – Bạch Xà”.
Tương truyền, Tây Hồ từng là nơi một con rắn trắng trú ngụ và tu luyện. Sau khi tu luyện thành tinh, rắn biến hình thành một cô gái xinh đẹp, tên gọi Bạch Nương Tử và nên duyên cùng chàng Hứa Tiên. Đoạn Kiều chính là nơi Bạch Nương Tử và Hứa Tiên gặp gỡ; sau đó cũng là nơi nàng trốn tránh sự truy giết của Pháp Hải hòa thượng”. Câu chuyện vui buồn gặp nhau rồi lại chia tay nhau tại cầu Đoạn – Tây Hồ của Bạch Nương và Hứa Tiên làm xúc động không biết bao nhiêu du khách, làm cho Tây Hồ càng quyến luyến lòng người.
Ngày nay, Đoạn Kiều (Tây Hồ) là nơi hẹn hò của nhiều đôi tình nhân và những cặp vợ chồng mới cưới với mong muốn cầu phúc cho nhân duyên của mình. Nếu muốn tránh đám đông, hãy đến cầu vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn – khi cầu được chiếu sáng dưới ánh đèn lung linh.
Du khách hãy chụp ảnh từ ven bờ, trước khi bước sang cầu. Vào những ngày trời trong, cầu in bóng trên mặt nước Tây Hồ tĩnh lặng với những hàng liễu rũ thơ mộng. Cuối đông, tuyết bên đầu cầu đón nắng thường tan trước, để lại nửa kia vẫn chìm trong một màu trắng. Và khi soi bóng trên mặt nước, cầu hiện lên như một cây cầu gãy – nguồn gốc tên gọi Đoạn Kiều.
Trường Kiều (cầu Trường)
Nếu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, thì Trường Kiều lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ thông minh, hiếu học tên là Chúc Anh Đài. Muốn học văn, nàng cải trang thành nam nhi và nhập học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu. Trên đường đi, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết bạn thân thiết như huynh đệ. Anh Đài yêu Sơn Bá thầm lặng, nhưng không dám thổ lộ vì vẫn giấu giếm danh phận gái giả trai. Sơn Bá, mặc dù học chung trường và sống chung phòng, nhưng không hay biết tình cảm và bí mật của Anh Đài.
Ba năm trôi qua, cha Chúc Anh Đài lâm bệnh, nàng buộc phải trở về nhà.
Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài hứa với Lương Sơn Bá rằng sẽ thu xếp để chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Khi Lương Sơn Bá đến Chúc gia, chàng mới nhận ra rằng người bạn đồng môn thực ra là nữ và em gái 16 tuổi không hề tồn tại. Tình cảm giữa hai người ngày càng sâu đậm, nhưng bi kịch xảy ra khi gia đình Chúc Anh Đài hứa gả nàng cho Mã Văn Tài, một thiếu gia giàu có. Mặc dù Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi và tốt bụng, gia đình Anh Đài vẫn kiên quyết tổ chức lễ thành hôn giữa nàng và Văn Tài.
Khi đám cưới của Chúc Anh Đài diễn ra, đoàn kiệu hoa ngang qua mộ của Lương Sơn Bá thì bão tố nổi lên dữ dội, buộc đoàn phải dừng lại. Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đã đến bên mộ để khóc và làm lễ cúng tế. Đột nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài nhảy vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, mọi người chứng kiến một đôi bướm tình tứ bay lên mặt đất. Truyền thuyết cho rằng đây chính là linh hồn của đôi uyên ương đã được đoàn tụ tại Tây Hồ.
Tương truyền, cây cầu Trường (Tây Hồ) – có nghĩa “cây cầu dài” là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km. Vì thế có câu: “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường. Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn.” Hàm ý nói rằng: “Cầu Trường không dài nhưng tình nghĩa dài. Cầu Đoạn không gãy mà khiến lòng người đau như đứt từng khúc ruột ”.
Cầu Trường này còn có một cái tên khác là Cầu Song Đầu (có thể hiểu nôm na là cây cầu mà hai người nhảy xuống tự sát). Người ta kể rằng vào một đêm trăng sáng giữa thế kỷ XII sau công nguyên, một đôi trai gái tên là Vương Sinh và Đào Nữ đã đến cây cầu này và cùng nhau nhảy xuống tự tử. Kể từ đó Song Đầu trở thành cái tên mà dân gian đặt cho cầu Trường.
Tây Lãnh Kiều (cầu Tây Lãnh)
Cầu Tây Lãnh còn có tên gọi là cầu Tây Lâm, nơi đây lưu truyền câu chuyện tình yêu của nàng Tô Tiểu Tiểu và Nguyễn Úc.
Tô Tiểu Tiểu vốn là một kỹ nữ xinh đẹp và tài hoa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tô Tiểu Tiểu là người Tiền Đường (nay là Triết Giang – Hàng Châu), sinh ra trong một kỹ viện, không biết bố là ai và mặc nhiên nàng trở thành một kỹ nữ. Tô Tiểu Tiểu hết sức xinh đẹp, tư chất lại thông minh, có tài cầm kỳ thi họa nên nàng sớm trở thành một kỹ nữ nổi tiếng nhất Hàng Châu thời bấy giờ.
Tô Tiểu Tiểu vốn yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, ngại vì đường xá khó đi nàng tự chế ra một cỗ xe cho mình và đặt tên là “Du bích xa”. Nàng thường ngồi trên chiếc du bích xa thưởng lãm cảnh đẹp Tây Hồ. Một hôm, trên đường ngắm cảnh trời mây nàng gặp một chàng trai cưỡi ngựa hoa, cả hai thoáng nhìn đã rung động nhưng không tiện trao lời. Tô Tiểu Tiểu chỉ ngâm nhỏ bốn câu thơ:
“Thiếp thừa du bích xa
Chàng thừa thanh thông mã
Hà xứ kết đồng tâm
Tây Lãnh tùng bá hạ”
Có ý rằng: “Thiếp ngồi trên xe du bích, chàng ngồi trên yên ngựa, biết có nơi nào kết đồng tâm được, có chăng dưới bóng cây tùng bên cầu Tây Lãnh”.
Sau khi gặp nhau trên cầu Tây Lãnh, Nguyễn Úc và Tô Tiểu Tiểu nhanh chóng kết duyên. Nguyễn Úc, con trai của quan thượng thư bộ Lễ, công tác ở Triết Đông, dừng lại ở Tây Hồ và cưới Tô Tiểu Tiểu. Tuy nhiên, chàng phải trở về gấp vì việc triều đình và không còn tin tức. Tô Tiểu Tiểu vì nhớ nhung Nguyễn Úc mà qua đời khi còn trẻ. Nàng được chôn bên cầu Tây Lãnh theo di nguyện. Từ đó, khu vực bên Tây Hồ trở thành một thắng cảnh nổi tiếng.
Tây Hồ – Ẩm thực đặc sắc
Ngoài ra, ẩm thực Tây Hồ cũng vô cùng phong phú và đẹp mắt. Bạn có thể vừa dạo bước trên con phố Tô Đề dọc bờ hồ vừa thưởng thức các món ăn đặc sắc tại đây. bạn nên thử các món như lẩu Hàng Châu, cá chép sốt chua ngọt, gà ăn mày, bánh định thắng, mì xào lươn, ngó Sen nhồi gạo nếp, bột củ sen, trà long tĩnh,…
Khám phá Tây Hồ (Hàng Châu) là một chuyến đi không thể quên với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa phong phú. Từ những cây cầu lịch sử nổi tiếng, hoa sen nở rộ, đến các điểm ngắm cảnh lãng mạn, mỗi góc của Tây Hồ đều mang đến trải nghiệm tuyệt vời. Thư giãn bên hồ, thưởng thức ẩm thực đặc sắc và để những khoảnh khắc tại Tây Hồ trở thành phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của bạn. Tây Hồ chờ đón bạn với vẻ đẹp mê hoặc và những trải nghiệm khó quên.
Nếu bạn đang tìm kiếm các tour du lịch Trung Quốc, hãy truy cập Taditours để khám phá các tour đa dạng, giá cả phải chăng và chất lượng dịch vụ hàng đầu. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này!